Hoạt động bãi nô Frederick Douglass

William Loyde Garrison

Đôi vợ chồng mới cưới đến sống ở New Bedford, Massachusetts. Douglass gia nhập một nhà thờ Giám Lý dành cho người da đen.[15] Năm 1839, ông được bổ chức truyền đạo,[16] nhờ vậy ông tự trau giồi kỹ năng hùng biện. Douglass giữ các vị trí khác nhau trong nhà thờ từ công việc tiếp tân, phụ trách Trường Chúa Nhật, đến việc trông nom nhà thờ.[17]

Douglass cũng gia nhập một số hội đoàn ở New Bedford, thường xuyên đến dự những buổi họp chủ trương bãi nô, và đăng ký mua tờ tuần báo The Liberator của William Lloyd Garrison. Douglass chịu ảnh hưởng của Garrison, ông viết, "chưa có ai gây ấn tượng với tình cảm sâu đậm (căm ghét chế độ nô lệ) như William Lloyd Garrison" đến nỗi trong quyển tự truyện sau cùng Douglass thú nhận "bài viết của ông chiếm chỗ trong trái tim tôi chỉ sau Kinh Thánh."[18] và không chỉ với lập trường chống chế độ nô lệ mà còn chống chủ nghĩa thực dân. Lần đầu tiên Douglass nghe Garrison diễn thuyết là vào năm 1841 tại Hội Chống Chế độ Nô lệ Bristol. Trong một buổi họp khác của Hội, khi bất ngờ được mời nói chyện, ông thuật lại cuộc đời mình. Từ đó, ông được khuyến khích trở thành diễn giả. Vài ngày sau, Douglass nói chuyện tại hội nghị thường niên của Hội Chống Chế độ Nô lệ Massachusetts tổ chức tại Nantuket. Chàng thanh niên Douglass hai mươi ba tuổi đã thắng hơn sự nhút nhát mà miêu tả cách sinh động và đầy sức thuyết phục cuộc đời gian khổ của mình khi còn là nô lệ.

Ngôi nhà của vợ chồng Johnson, Douglass và vợ sống ở đây khi mới đào thoát.

Năm 1843, Douglass tham gia đề án "Một Trăm Hội nghị" do Hội Chống Chế độ Nô lệ Mỹ tổ chức với mục tiêu gởi các diễn giả đến nói chuyện tại những hội trường trên khắp vùng Trung Tây và miền Đông nước Mỹ. Suốt trong chuyến đi, những người ủng hộ chế độ nô lệ thường xuyên quấy nhiễu Douglass. Trong một lần diễn thuyết ở Pendleton, Indiana, một đám động giận dữ rượt đuổi và đánh đập Douglass trước khi một gia đình Quaker, nhà Hardys, đến cứu ông.[19] Một cánh tay của ông bị đánh gãy nhưng không được chữa trị đúng cách, đã gây đau đớn cho ông suốt phần đời còn lại. Một tấm bia dựng ở Pendleton ghi lại sự kiện này.

Tự truyện

Trong số các tự truyện của Douglass nổi tiếng nhất là quyển đầu tiên Narratvie of the Life of Frederick Douglass, an American Slave, xuất bản năm 1845. Lúc ấy, một số người hoài nghi đặt câu hỏi làm sao một người da đen có thể viết một tác phẩm văn chương hay đến thế. Nhận được nhiều tiếng khen, ngay lập tức nó trở thành sách bán chạy nhất. Trong vòng ba năm, cuốn Narrative được tái bản chín lần với 11 000 ấn bản lưu hành khắp Hoa Kỳ. Cuốn sách này được dịch ra tiếng Pháptiếng Đức cũng như được phát hành ở châu Âu.

Trong suốt đời mình, Douglass viết ba phiên bản của quyển tự truyện (và chỉnh sửa quyển thứ ba) mỗi lần như thế ông mở lại mở rộng nội dung tác phẩm. Năm 1855, Douglas xuất bản quyển My Bondage and My Freedom. Đến năm 1881, sau cuộc Nội chiến, Douglass cho phát hành quyển Life and Times of Frederick Douglass.

Đến Ailen và Anh

Bạn hữu và những người đỡ đầu Douglass e rằng tin tức về Douglass khiến chủ nô của ông, Hugh Auld, tìm cách thu hồi "tài sản" của mình, họ khuyên Douglass thực hiện một chuyến viếng thăm Ireland như nhiều cựu nô lệ từng làm. Douglass lên tàu Cambria cập bến Liverpool ngày 16 tháng 8 năm 1845, rồi đến Ireland đúng lúc bùng phát Nạn đói Khoai tây (lúc ấy khoai tâythức ăn chính ở đây).

Cảm giác được sống hoàn toàn cách biệt với không khí kỳ thị chủng tộc ở Mỹ khiến Douglass kinh ngạc:

Trong mười một ngày rưỡi tôi đã băng qua ba ngàn dặm. Thay vì sống dưới một chế độ dân chủ, tôi đang ở dưới quyền cai trị của một quân vương. Thay vì bầu trời trong xanh của nước Mỹ, trên đầu tôi là bầu trời đầy sương mù trắng đục. Tôi hít thở. Ôi! một nô lệ nay đứng thẳng làm người. Tôi chăm chăm nhìn xung quanh xem có ai đến tra hỏi tôi về quyền bình đẳng của con người, bảo rằng tôi là một tên nô lệ rồi sỉ nhục tôi, nhưng không ai làm như vậy. Lên một chiếc xe ngựa chở khách – ngồi chung với người da trắng – tôi đến khách sạn - bước vào đấy cùng với họ - đứng chung với họ ở sảnh lễ tân – ăn tối cùng bàn với họ - và không một ai bị sỉ nhục... tôi thấy mình được tôn trọng, tại mỗi nơi tôi đến người ta đối xử với tôi tử tế và tôn trọng như một người da trắng. Khi bước vào nhà thờ, không một người da trắng nào trề môi khinh bỉ bảo tôi: "Này tên mọi, mày không được phép vào đây!" – trích từ My Bondage and My Freedom.

Ông cũng có cơ hội gặp và kết bạn với Daniel O’Connell, nhà đấu tranh cho dân tộc Ái Nhĩ Lan.[20][21]

Bức bích họa ở Belfast kỷ niệm chuyến viếng thăm Ireland của Douglass.

Douglass sống hai năm ở Ireland và Anh, đến diễn thuyết tại nhiều nhà thờ, thu hút nhiều người tới nghe đến nỗi chật cứng các thính phòng. Bài diễn văn London Reception Speech Douglass trình bày ở Nhà thờ Alexander Fletcher’s Finsbury là một thí dụ. Douglass nhận thấy rằng ở Anh ông được đối xử không phải như "một màu da, nhưng như là một con người".[22]

Năm 1846, Douglass gặp Thomas Clarkson, một nhà hoạt động bãi nô nổi tiếng từng cộng tác với William Wilberforce trong chiến dịch thuyết phục Quốc hội Anh thông qua luật bãi bỏ chế độ nô lệ trên đất nước Anh và tại các vùng thuộc địa của Đế quốc Anh.[23] Trong chuyến đi này, những người Anh ủng hộ Douglass quyên góp tiền để mua sự tự do cho ông từ chủ nô người Mỹ Thomas Auld.[22][24]

Nhiều người khuyên Douglass ở lại Anh nhưng vì vợ ông đang ở Massachusetts cũng như ba triệu anh em người da đen của ông đang sống trong vòng nô lệ ở Mỹ, Doulgass quyết định về nước trong mùa xuân năm 1847.[22]

Đến thế kỷ 21, người ta cho gắn những tấm biển trên các tòa nhà tại hai thành phố Cork và Waterford ở Ái Nhĩ Lan để ghi nhớ chuyến viếng thăm của Douglass: tấm biển đầu gắn ở Khách sạn Imperial tại Cork ngày 31 tháng 8 năm 2012; tấm sau gắn ở mặt tiền Tòa Thị chính Waterford ngày 7 tháng 10 năm 2013 để ghi nhớ bài diễn văn Douglass đọc ở đây vào ngày 9 tháng 10 năm 1845.[25]

Trở về Mỹ

Sau khi về nước, Douglass xuất bản tờ nhật báo chủ trương bãi nô đầu tiên của ông, The North Star, được in ấn dưới tầng hầm của Nhà thờ Giám Lý Zion ở Rochester, New York.[26] Phương châm của tờ North Star là "Điều đúng không phân biệt Giới tính – Chân lý không phân biệt Màu da - Chúa là Cha của tất cả chúng ta, và chúng ta đều là anh em của nhau." Giáo hội Giám Lý của người da đen và báo North Star cùng chống lại chủ trương gởi người da đen về lại châu Phi. Tờ North Star cũng như những tờ báo chủ trương bãi nô Douglass xuất bản sau này đều nhận sự giúp đỡ tài chính từ những người Anh ủng hộ ông.[22]

Chính là cứ cố xóa sạch vĩnh viễn mọi hi vọng của người nô lệ, thì đó sẽ là một móc xích trong chuỗi diễn biến dọn đường cho sự sụp đổ hoàn toàn của cả chế độ nô lệ.

—Frederick Douglass, Diễn từ về Phán quyết Dred Scott (1857)[27]

Dần dà, Douglass nhận thấy lập trường của Garrison là quá cực đoan. Lúc đầu Douglas đồng ý với Garrison rằng Hiến pháp ủng hộ chế độ nô lệ do những thỏa hiệp liên quan đến quy trình bổ nhiệm các chức vụ trong quốc hội dựa trên cách đếm đầy thiên vị số nô lệ trên tổng số dân mỗi tiểu bang cũng như quan điểm bảo vệ việc buôn bán nô lệ trong năm 1807. Garrison từng đốt những bản in hiến pháp để bày tỏ lập trường của ông. Tuy nhiên, sau khi cuốn The Unconstitutionality of Slavery của Lysander Spooner xuất bản năm 1846 chứng minh rằng Hiến pháp Hoa Kỳ là một văn kiện chống chế độ nô lệ thì Douglass cũng thay đổi quan điểm và tách rời khỏi Garrison trong khoảng năm 1847. Douglas tuyên bố rằng Hiến pháp nên được sử dụng như là một công cụ hữu ích chống lại chế độ nô lệ.[28]

Tháng 9 năm 1848, Douglass công bố một bức thư mở gởi đến chủ cũ của ông, Thomas Auld, phê phán tư cách của Auld đồng thời gởi lời thăm hỏi đến các thành viên của gia đình đang thuộc quyền sở hữu của Auld.[29][30] Ông cũng muốn biết Auld cảm thấy thế nào nếu ông bắt cô con gái Amanda của Auld làm nô lệ và đối xử với Amanda theo cách Auld đã đối xử với ông và những thành viên của gia đình ông.[29][30]

Với vấn đề nữ quyền

Năm 1848, Douglass là người Mỹ gốc Phi duy nhất tham dự Hội nghị Seneca Falls tổ chức ở New York, nữ quyền là một chủ đề được thảo luận tại hội nghị này.[31][32] Elizabeth Cady Stanton yêu cầu hội nghị thông qua một nghị quyết đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.[33] Nhiều đại biểu phản đối,[34] nhưng Douglass đứng lên trình bày cách thuyết phục quan điểm của ông ủng hộ Stanton, ông nói rằng không thể chấp nhận việc nam giới da đen được bầu phiếu nếu phụ nữ không được thụ hưởng quyền ấy. Ông cho rằng thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu phụ nữ được tham gia vào lĩnh vực chính trị.

Bác bỏ quyền tham chính của phụ nữ không chỉ đơn giản là làm giảm phẩm giá người phụ nữ và kéo dài tình trạng bất công nhưng còn là làm thui chột và khước từ một nửa sức mạnh tinh thần và trí tuệ của chính quyền thế giới.[34]

Sau khi Douglass kết thúc bài nói chuyện, nghị quyết được thông qua.[34][35]

Trong những ngày kế tiếp, Douglass viết một bài xã luận đăng trên tờ North Star thúc đẩy nỗ lực đấu tranh cho quyền phụ nữ trong công chúng. Ông nhận xét rằng mọi người cảm thấy thoải mái khi "thảo luận về quyền của thú vật... hơn là khi thảo luận về quyền của phụ nữ". Quan điểm của Douglass thể hiện trên những bài xã luận tạo được tiếng vang, nhờ vậy ông xác định lập trường của tờ North Star: "Chúng tôi tin phụ nữ cần có đầy đủ quyền như chúng ta đã dành cho nam giới".

Giống nhiều người chủ trương bãi nô, Douglass tin rằng giáo dục là yếu tố mấu chốt giúp người Mỹ gốc Phi cải thiện đời sống. Điều này khiến ông trở thành người sớm chống việc kỳ thị chủng tộc trong trường học. Trong thập niên 1850, Douglass quan sát thấy những cơ sở giáo dục dành cho người da đen ở New York thua kém xa những cơ sở dành cho người da trắng. Douglass kêu gọi sử dụng các biện pháp pháp lý để mở cửa trường học cho tất cả trẻ em.

Trong lần gặp gỡ John Brown, một người bãi nô cực đoan, Douglass chống lại kế hoạch của Brown phát động một cuộc nổi dậy của người nô lệ ở miền Nam. Douglass tin rằng tấn công tài sản của chính phủ liên bang chỉ kích động sự phẫn nộ của công chúng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Frederick Douglass //nla.gov.au/anbd.aut-an36750625 http://www.43places.com/places/view/3017188/freder... http://www.43places.com/places/view/3017189/freder... http://www.biography.com/people/frederick-douglass... http://www.cnn.com/2008/POLITICS/08/25/dems.conven... http://www.fdrccf.com/douglass.htm http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://books.google.com/books/about/In_the_Words_o... http://books.google.com/books?id=-y0OAQAAMAAJ